TOP 3 BỆNH TRÊN CÂY CHANH DÂY THƯỜNG GẶP

Chanh dây là một loại trái cây nhiệt đới dễ trồng và chăm sóc. Cây chanh dây hiện nay được trồng phổ biến tại các tỉnh tây nguyên (đăk lăk, gia lai, kon tum, đăk nông…). Tuy nhiên trong điều kiện thâm canh cao, sử dụng nhiều phân bón và thuốc bvtv hóa học, canh tác không hợp lý khiến cho cây chanh dây thường bị nhiễm nhiều bệnh khó kiểm soát. Dưới đây là ba bệnh phổ biến trên cây chanh dây.

1. BỆNH QUĂN LÁ

a. Tác nhân: Do virus Papaya leaf curl (PLCV) gây hại.

Bệnh xoăn lá chanh dây
Bệnh xoăn lá chanh dây

b. Triệu chứng:

Bệnh xuất hiện với triệu chứng điển hình là lá bị quăn và biến dạng, chiều dài lá và lóng thân bị ngắn lại. Lá bị giảm kích thước nghiêm trọng, thể hiện triệu chứng gân trong.

Rìa lá bị uốn cong xuống, hướng vào bên trong. Lá trên cây bị bệnh có màu xanh đậm, trở nên dầy hơn và giòn.

c. Truyền bệnh:

Bệnh lan truyền qua rầy phấn trắng (Bemisia tabacii)

d. Biện pháp quản lý tổng hợp:

Sử dụng cây giống sạch bệnh. Nhổ bỏ và tiêu hủy triệt để cây bị nhiễm bệnh trên vườn. Treo bẫy dính màu vàng trong vườn để dự báo. Sử dụng thuốc trừ sâu có hoạt chất Imidachloprid (Confidor, Admire,…), Pymetrozine (Chess,….) hoặc Dinotefuran (Oshin,…).

Không trồng xen với cây trồng là ký chủ của rầy trắng như thuốc lá, cà chua hay cây trồng thuộc họ bầu bí khác. Nên dọn sạch cỏ trên vườn, tránh tạo điều kiện cho cây ký chủ của rầy trắng phát triển.

2. BỆNH ĐỐM NÂU

a. Tác nhân: do nấm Alternaria passiflorae

Bệnh đốm nâu trên chanh dây
Bệnh đốm nâu trên chanh dây

b. Đặc điểm và triệu chứng gây hại:

Đây là một bệnh gây hại phổ biến và nghiêm trọng, bệnh xuất hiện ở lá, thân và quả. Bệnh xuất hiện quanh năm, nhưng nặng nhất trong các tháng mùa mưa.

Trên lá, triệu chứng bệnh ban đầu là những chấm nhỏ màu nâu, sau đó lan rộng, có tâm màu sáng và có hình dạng bất định, nhiều vết bệnh liên kết thành những mảng lớn gây thủng lá.

Trên thân/cành, vết bệnh có hình thon dài với màu nâu đen. Khi vết bệnh phát triển bao quanh thân/cành sẽ làm bong tróc vỏ, gây chết nhánh.

Trên quả, vết bệnh ban đầu là những chấm nhỏ sau lan rộng thành những vòng tròn lớn màu nâu, bề mặt vết bệnh lõm, nhăn nheo, sau đó rụng.

c. Biện quản lý tổng hợp

Biện pháp canh tác: Vệ sinh vườn, loại bỏ và tiêu hủy bộ phận mang bệnh, cắt tỉa những cành kém hiệu quả để cây thông thoáng.

Biện pháp hóa học: Sử dụng các thuốc hoạt chất Azoxystrobin (Amistar,…), hỗn hợp Mancozeb +Metalaxyl (Ridomil gold)), Difenoconazole (Score,….), để phòng trừ. Chú ý phun vào những đợt lá ra vào đầu mùa mưa.

3. BỆNH ĐỐM XÁM

a. Tác nhân: do nấm Septoria passiflorae gây ra.

Bệnh đốm xám chanh dây
Bệnh đốm xám chanh dây

b. Đặc điểm và triệu chứng gây hại:

Bệnh tấn công các bộ phận lá, thân, và quả, gây hại nặng có thể làmrụng lá, rụng quả sớm dẫn đến giảm năng suất. Bệnh thường xuất hiện phổ biến trong các tháng mùa mưa.

Trên lá, vết bệnh thường không có hình dạng cố định, chỉ là những đốm nhỏ màu nâu sáng, nhanh chóng lan rộng và làm lá rụng.

Trên thân, vết bệnh có hình dạng bất định, lõm vào bên trong thân và có màu nâu sáng.

Trên quả, vết bệnh ban đầu là những chấm nhỏ, tương tự như trên lá và thân. Sau đó phát triển rộng tạo thành những vết thương tổn lớn gây rụng quả.

c. Biện pháp quản lý:

Biện pháp hoá học: Sử dụng các loại thuốc có hoạt chất: Azoxystrobin + Difenoconazole (Amistar top,…); Mancozeb + Metalaxyl (Ridomil gold,…); Cuprous Oxide/ copper chloride….

Kim Nông Goldstar Sản Phẩm Chất Lượng – Dịch Vụ Hoàn Hảo!

Mời quý bà con tham khảo thêm sản phẩm tại: https://kimnonggoldstar.vn/

Theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều tin tức bổ ích tại Fanpage: Kim Nông Goldstar

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *