Những năm qua, nhiều nông dân trên địa bàn TP Cần Thơ đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất trên cơ sở áp dụng khoa học kỹ thuật, nắm bắt nhu cầu thị trường… từ đó đạt hiệu quả kinh tế cao. Nổi bật có anh Nguyễn Văn Bé Ba – người tiên phong trồng sầu riêng ở xã Trường Xuân A, huyện Thới Lai, cũng là điển hình nông dân Cần Thơ tiêu biểu vừa có tên trong danh sách 100 nông dân xuất sắc Việt Nam năm 2022.
Hướng dẫn chúng tôi tham quan vườn sầu riêng Musaking vừa được trồng 3 năm nay, anh Bé Ba phấn khởi chia sẻ: “Do thích trồng những giống cây mới lạ, được thị trường ưa chuộng nên khi nghe giống sầu riêng mới này, tôi tìm đặt mua cho bằng được. Hiện nay, tôi đang trồng 200 gốc sầu riêng Musaking xen với na Thái”. Với sở thích trồng những giống cây mới nên vào năm 2015, anh Bé Ba cũng là người tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mạnh dạn trồng sầu riêng tại vùng đất Trường Xuân A.
Anh Bé Ba kể: “Tôi vốn làm thợ sửa chữa điện tử. Năm 1999, vợ chồng tôi từ Phong Điền đến xã Trường Xuân A, huyện Thới Lai, lập nghiệp. Chúng tôi thuê nhà để ở và mở tiệm sửa chữa điện tử, không có đất sản xuất. Vừa làm nghề này, tôi vừa tập tành kinh doanh bất động sản. Dần dà qua nhiều năm, tích cóp mua được trên 7ha đất”. Dạo đó, anh Bé Ba cho người khác thuê đất để trồng lúa, về sau anh nuôi cá nhưng hiệu quả không cao. Năm 2015, anh mạnh dạn chuyển đổi, trồng sầu riêng Ri6 kết hợp xen canh trồng xoài Đài Loan trên 1ha đất. Sau đó, anh mở rộng trồng sầu riêng trên diện tích đất còn lại, vẫn áp dụng hình thức lấy ngắn nuôi dài bằng cách xen canh trồng cây na Thái. Trong giai đoạn chờ sầu riêng phát triển, mỗi năm, xoài Đài Loan và na Thái đã đem về cho anh nguồn thu gần 1 tỉ đồng. Trong 5 năm nay, khi tán cây sầu riêng phát triển đạt yêu cầu, anh phá bỏ dần xoài và na Thái để tập trung cho loại cây chủ lực này. Trên tổng diện tích hơn 7ha với khoảng 1.000 gốc sầu riêng, hiện có khoảng 5ha đang cho trái.
Vốn chỉ là thợ sửa chữa điện tử nhưng nhắc đến kỹ thuật trồng sầu riêng của anh Bé Ba, bà con nông dân nơi đây phải “nể” anh vài phần, nhất là khâu xử lý nước. Anh Bé Ba kể: “Thời điểm tôi mới bắt đầu trồng sầu riêng, ai cũng cười, cho rằng cây sầu riêng trồng ở vùng này không cho trái. Để ý thấy địa thế nơi đây khá xa sông lớn, mùa mưa nước rút chậm ảnh hưởng lớn đến việc canh tác. Vì vậy, tôi lên liếp, đắp đê bao ngăn nước; nhất là sử dụng máy bơm nước vào những mùa nước lớn để bảo vệ cây”. Ngoài ra, anh Bé Ba còn xử lý sầu riêng cho ra trái sớm rất thành công. Toàn bộ diện tích 7ha đất trồng sầu riêng đều được anh lắp đặt hệ thống phun tưới nước tự động. Nhờ ứng dụng công nghệ trong sản xuất giúp tăng hiệu quả sản xuất, tiết kiệm khoảng 20-30% chi phí và công lao động so với việc canh tác truyền thống.
Với mô hình trồng sầu riêng đã giúp gia đình anh Bé Ba có thu nhập ổn định. Riêng vụ vừa qua, anh thu hoạch trên 32 tấn sầu riêng với giá bán khoảng 55.000 đồng/kg, thu lãi hơn 1 tỉ đồng. Tuy vậy, anh Bé Ba vẫn trăn trở: “Do việc trồng xen canh cây ngắn ngày nên cây phát triển không đồng bộ, năng suất đạt chưa cao so với cách trồng chuyên canh. Sắp tới đây, tôi tập trung chăm sóc, đặc biệt chuyển sang bón phân hữu cơ và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để cây phát triển tốt hơn. Với số lượng sầu riêng đang cho trái, ước tính vụ tới, tôi sẽ thu trên 40 tấn trái”.
Ngoài mô hình trồng sầu riêng, vợ chồng anh Bé Ba còn kinh doanh nhà trọ và hùn vốn đầu tư lò sấy lúa để phục vụ nhu cầu của bà con trong vùng. Mỗi năm “bỏ túi” vài tỉ đồng.
Ông Đỗ Văn Ô, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Xuân A, huyện Thới Lai, nhận xét: “Với nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh kết hợp đã giúp gia đình anh Bé Ba có thu nhập ổn định, vươn lên khấm khá. Từ đó, anh có điều kiện tham gia công tác xã hội từ thiện tại địa phương, là một trong những nhà hảo tâm hỗ trợ địa phương làm cầu đường, giúp đỡ hộ dân khó khăn, chăm lo học sinh đến trường…”. Theo ông Đỗ Văn Ô, thành công lớn nhất của anh Bé Ba chính là góp phần thay đổi nếp nghĩ trong canh tác vườn của nhiều nông dân nơi đây. Từ kinh nghiệm chia sẻ của anh Bé Ba, nhiều hộ đã chuyển đổi đất lúa sang trồng cây sầu riêng. Toàn xã Trường Xuân A hiện có khoảng 30ha trồng sầu riêng với 2 giống chủ lực là Ri6 và Mon Thong và diện tích này đang không ngừng mở rộng. Nhờ đó, đời sống của bà con nông dân nơi đây cũng ngày càng được cải thiện, vươn lên khấm khá.
Nguồn: Báo Cần Thơ Online
Kim Nông Goldstar Sản Phẩm Chất Lượng – Dịch Vụ Hoàn Hảo!
Mời quý bà con tham khảo thêm sản phẩm khác. Dùng kéo đọt dưỡng rễ cho cây ăn sầu riêng tại: https://kimnonggoldstar.vn/
Theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều tin tức bổ ích tại Fanpage: Kim Nông Goldstar